Chính trị của Việt Nam hiện nay theo chế độ gì?



Hiện nay Việt Nam là nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị đã thực hiện theo cơ chế chỉ có duy nhất một đảng chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, với tôn chỉ là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ thông qua cơ quan quyền lực là Quốc hội Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo trên chính trường Việt Nam theo quy định trong điều 4 của Hiến pháp 1992, vẫn cam kết với các nguyên tắc của Lênin “tập trung dân chủ”, mà không cho phép thành lập một hệ thống đa đảng. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng bí thư là một trong những người có quyền lực cao nhất Việt Nam, vì đảng duy nhất hợp lệ, cùng với Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ nắm quyền lập pháp, hành pháp. Quốc hội, theo hiến pháp là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Nhiệm vụ của Quốc hội là giám sát, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Trên 90% đại biểu quốc hội là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên quốc hội không có độc lập từ đảng, tuân thủ gần tuyệt đối các quy định của Đảng (tại các nước khác nhóm đại biểu chiếm đa số trong quốc hội cũng thường từ một đảng hay liên minh quyết định đường lối chính sách), tuy nhiên sau thời Đổi mới, vai trò của Quốc hội đẩy lên cao hơn. Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm. Chủ tịch Quốc hội được Quốc hội bầu do đề cử của Ban Chấp hành Trung ương. Chủ tịch Quốc hội hiện nay (2016) là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch nước, theo hiến pháp là người đứng đầu Nhà nước, nguyên thủ quốc gia nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội bầu do Chủ tịch Quốc hội giới thiệu từ đề cử của Ban Chấp hành Trung ương. Chủ tịch nước có 12 quyền hạn theo Hiến pháp trong đó quan trọng nhất là: công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Chủ tịch nước thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, là chức vụ cao nhất của Nhà nước Việt Nam, thường không giữ kiêm chức Tổng bí thư Đảng (có trường hợp giữ kiêm). Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm. Không có quy định giới hạn số nhiệm kỳ được làm Chủ tịch nước.
Chính phủ, theo hiến pháp là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ chịu sự giám sát và thực hiện chế độ báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ Chính phủ là 5 năm. Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch nước giới thiệu từ đề cử của Ban Chấp hành Trung ương để Quốc hội bầu. Không có quy định giới hạn số nhiệm kỳ được làm Thủ tướng Chính phủ.
Các Phó Thủ tướng do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn, là người giúp việc cho Thủ tướng và được Thủ tướng ủy nhiệm khi Thủ tướng vắng mặt. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn, đảm nhiệm chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác được giao. Việc tổ chức nhân sự cấp cao này đều thông qua Bộ Chính trị và các viên chức này đều do Bộ Chính trị quản lý. Các Thứ trưởng và chức vụ tương đương do Thủ tướng bổ nhiệm, nhưng Ban Bí thư thông qua và quản lý.
Chính phủ Việt Nam có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Ngoài ra chính phủ còn quản lý 5 cơ quan hành chính và 3 cơ quan truyền thông trực thuộc là Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam
Tòa án Nhân dân Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Việt Nam. Chánh án Tối cao là người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao.

THOI BAO DE




Xem thêm