Thời phong kiến của Việt Nam có những sự kiện nổi bật nào?



Bắt đầu từ thế kỷ 2 TCN, người Việt bị các triều đại phong kiến Trung Quốc cai trị trong hơn một ngàn năm. Sau nhiều lần khởi nghĩa không thành của những vị tướng lĩnh như Bà Triệu, Mai Thúc Loan hoặc chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn như Hai Bà Trưng, Lý Bí, đến năm 905 Khúc Thừa Dụ đã giành quyền tự chủ cho người Việt, song chưa hẳn là giành được độc lập dân tộc vì Khúc Thừa Dụ vẫn tự nhận mình là quan của triều đình phương Bắc dù chỉ trên danh nghĩa.
Đến năm 938, Việt Nam chính thức giành được độc lập lâu dài sau trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy, đánh bại quân Nam Hán. Ngô Quyền xưng vương, tự đặt triều đình cai trị, đánh dấu việc người Việt chính thức độc lập khỏi các triều đình phương Bắc.
Sau khi giành được độc lập, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14, dân tộc Việt Nam đã xây dựng đất nước với quốc hiệu là Đại Việt. Các triều đại nhà Tiền Lê, nhà Lý và nhà Trần đã tổ chức chính quyền tương tự thể chế chính trị của các triều đại Trung Hoa, lấy Phật giáo làm tôn giáo chính của quốc gia và cho truyền bá những tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Trong giai đoạn này, nhà Tiền Lê, nhà Lý và nhà Trần đã có một số lần phải chống trả các cuộc tấn công của các triều đại phong kiến ở Trung Quốc, nhưng đều giành được thắng lợi và bảo vệ được nền độc lập của Đại Việt.
Đến năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ đổi tên nước là Đại Ngu, các cuộc cải cách của nhà Hồ khiến triều đình làm mất lòng dân. Năm 1407, Đại Ngu bị nhà Minh của Trung Hoa thôn tính, giai đoạn độc lập của người Việt bị gián đoạn. Sau đó, năm 1427, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, lập nên nhà Hậu Lê, giành lại độc lập cho dân tộc Việt. Triều Hậu Lê là triều đại mà chế độ phong kiến Việt Nam đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Vào thế kỷ 16, khi nhà Hậu Lê suy yếu, hai thế lực phong kiến lớn của Việt Nam là tập đoàn chúa Trịnh và chúa Nguyễn tranh chấp nhau, gây nên cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn một trăm năm, chia cắt Đại Việt thành đàng Ngoài và đàng Trong trong suốt 200 năm. Sau đó, đến cuối thế kỷ 18, vị tướng khởi nghĩa Nguyễn Huệ đánh bại cả hai lực lượng và lập nên nhà Tây Sơn, thống nhất Đại Việt. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ mất sớm, người kế vị không đủ tài năng nên nhà Tây Sơn chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi và sau đó bị Nguyễn Ánh (một thành viên trong dòng họ chúa Nguyễn) cùng với viện trợ từ Pháp lật đổ, lập nên nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Trong suốt thời đại phong kiến, các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn đã có công thu phục Chiêm Thành, Chân Lạp và Tây Nguyên ở phía Nam, mở mang bờ cõi đất nước.

THOI BAO DE




Xem thêm