Đến giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp tiến hành xâm lược bán đảo Đông Dương, thâu tóm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia làm thuộc địa. Đến năm 1887, ba quốc gia trên sát nhập thành Liên bang Đông Dương, chính thức trở thành thuộc địa của Pháp. Trong thời gian này, Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam, cùng với những phong tục, tập quán Tây phương, dần dần trở nên phổ biến song hành với những phong tục văn hóa truyền thống. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Nhật Bản đảo chính Pháp và chiếm toàn thể Đông Dương. Ngay sau khi hay tin đế quốc Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Việt Minh giành lại chính quyền từ tay Nhật. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước tự chủ đầu tiên của người Việt thời hiện đại. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp muốn chiếm lại thuộc địa Đông Dương nhưng vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người Việt Nam do lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Minh) lãnh đạo. Để đối chọi lại với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1949, Pháp cho thành lập Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại (từng là hoàng đế nhà Nguyễn) làm Quốc trưởng. Sau chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương. Hiệp định Genève được ký kết đã chấm dứt ách đô hộ gần một trăm năm của thực dân Pháp tại Việt Nam, đồng thời chia nước Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự cho Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía bắc và quân đội Liên Hiệp Pháp (bao gồm Quốc gia Việt Nam) ở phía nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời, dự kiến sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều tác nhân bên ngoài, đặc biệt là sự can thiệp chính trị của Hoa Kỳ và sự bác bỏ tổng tuyển cử toàn quốc của chính quyền Ngô Đình Diệm nên ở miền Nam, việc bầu cử thống nhất đất nước đã không thực hiện được. Tại miền Nam, chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam, được Hoa Kỳ hậu thuẫn và được công nhận bởi các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ. Chính phue này tuyên bố không thi hành bầu cử thống nhất đất nước Tại miền Bắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo mô hình xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam được Liên Xô, Trung Quốc hậu thuẫn và được các nước trong khối xã hội chủ nghĩa khác công nhận và giúp đỡ. Từ đây, Việt Nam bị chia thành hai nửa: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản, còn Việt Nam Cộng hòa thì theo chủ nghĩa tư bản và chống cộng sản. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời tại miền Nam với mục tiêu đoàn kết những người dân miền Nam có tinh thần chống lại sự can thiệp của Mỹ, muốn đánh đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa để thực hiện thống nhất Việt Nam. Xung đột quân sự dần trở nên nghiêm trọng và kéo dài suốt hai thập kỷ (gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam). Năm 1964, nhận thấy Việt Nam Cộng hòa sắp sụp đổ, Hoa Kỳ chính thức can thiệp quân sự, đưa quân Mỹ vào chiến đấu trực tiếp tại chiến trường Nam Việt Nam và thực hiện các đợt ném bom vào miền Bắc. Năm 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thực hành tổng tấn công khắp miền Nam nhân dịp Tết Mậu Thân, gây ra những tổn thất lớn cho Hoa Kỳ và làm cho phong trào phản chiến tăng mạnh. Đến tháng 1 năm 1973, sau những tổn thất vượt ngưỡng chịu đựng trên chiến trường Việt Nam, cùng với những khó khăn trên chính trường Mỹ cộng với tác động của phong trào phản chiến trong nước và trên thế giới, Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam. Cuộc chiến kết thúc vào ngày ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi chính quyền tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng trước lực lượng quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất đổi quốc hiệu thành nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Sài Gòn - Chợ Lớn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Sau chiến tranh, do nhiều cuộc chiến tiếp tục nổ ra (chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc và chiến tranh biên giới Tây Nam chống Khmer Đỏ) và chính sách kinh tế bao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời bị Hoa Kỳ cấm vận thương mại trong gần hai thập kỷ, do đó Việt Nam vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh nay lại lâm vào các khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội Năm 1986, Đại hội Đảng lần VI năm 1986 chấp thuận chính sách Đổi mới theo đó cải tổ bộ máy nhà nước, và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội. Giữa thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Năm 1994, Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, và một năm sau đó, Việt Nam gia nhập khối ASEAN. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (ECOSOC, UNESCO), Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN, APEC. Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 11 năm đàm phán.
THOI BAO DE |