Sự đa dạng trong Văn hóa ẩm thực Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung của cộng đồng người Việt và các dân tộc thuộc Việt trên đất nước Việt Nam. Tuy có ít nhiều sự khác biệt, ẩm thực Việt Nam vẫn bao hàm ý nghĩa khái quát nhất để chỉ tất cả những món ăn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhưng đã tương đối phổ thông trong cộng đồng người Việt. Trong văn hóa Việt Nam, ăn uống là cả một nghệ thuật, nó không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người mà còn có mối quan hệ mật thiết đến lối sống, truyền thống dân tộc, được thể hiện rất rõ qua những dụng cụ được dùng trong bữa ăn, cách ứng xử với mọi người trong khi ăn. Vì thế việc ăn uống còn minh chứng cho lịch sử và sự hình thành nền văn hoá của Việt Nam. Các món ăn qua từng giai đoạn nói lên được cuộc sống, con người của giai đoạn đó và của vùng đất – nơi đã sản sinh ra mỗi món ăn. Ẩm thực Việt Nam có sự kết hợp của 5 yếu tố cơ bản: cay, chua, đắng, mặn và ngọt. Nước mắm, nước tương,... là một trong những nguyên liệu tạo hương liệu trong món ăn. Phong cách nấu ăn trong ẩm thực Việt Nam có thể có các nguyên liệu tươi hơn, dùng dầu ít hơn và phụ thuộc hơn vào rau thơm, rau quả. Một đặc điểm để phân biệt ẩm thực Việt Nam với các nước khác là ẩm thực Việt Nam chú trọng ăn ngon, đôi khi không đặt mục tiêu hàng đầu là ăn bổ. Bởi vậy trong hệ thống có thể có ít hơn những món cầu kỳ, hầm nhừ, ninh kỹ như trong ẩm thực Trung Quốc cũng như không thiên về bày biện có tính thẩm mỹ cao như trong ẩm thực Nhật Bản mà thiên về phối trộn gia vị hoặc sử dụng những nguyên liệu dai, giòn (ví dụ như chân cánh gà, phủ tạng động vật, trứng vịt lộn,...). |